|
Câu Hỏi 148: Ý nghĩa quy y Tam bảo và thế nào là đứt tam quy?
(Bài giảng trong room Diệu Pháp, Kệ ngôn Pháp cú số 79 )
TT Giác Đẳng :
Có lẽ chúng ta nên dùng chữ đứt Tam quy hơn là đứt Tam bảo vì Tam bảo là Phật Pháp Tăng, thì dù chúng sanh trong đời có hành xử như thế nào thì Phật Pháp Tăng vẫn là Phật Pháp Tăng. Quy y ở đây nghĩa là là xác tín hay thành tựu niềm tin đối với Phật Pháp Tăng. Trong kinh có nói trong tiến trình tu tập của một hành giả, chúng ta có thể có được những thành tựu từng chặng một chẳng hạn như tín thành tựu. giới thành tựu, thiền định thành tựu, giải thoát thành tựu. Gọi là thành tựu có nghĩa là đến một mức độ nào đó, khả dĩ chúng ta có thể xem đó một bước đi đã trọn, một bước đi đủ gọi là thành tựu. Như ngày hôm nay chúng ta thấy nhiều người Tây phương, hoặc giả theo Kito giáo hoặc họ không có đạo gì hết, nhưng họ nhìn thấy pho tượng Phật ngồi tham thiền họ rất thích. Họ chỉ có thiện cảm với Đức Phật, với giáo pháp của Ngài và họ đem tượng Phật về nhà để chưng. Cho dù họ nghĩ đến Đức Phật như vậy, nhưng không gọi là quy y Phật. Hay hoặc giả có một số đạo hữu buồn, không có việc gì làm vào trong các room ngồi nghe pháp, ai nói sao mình cũng nghe, nhưng trong cái nghe đó không có một chủ tâm rõ ràng thì như vậy cũng không gọi là quy y Pháp được. Cũng tương tự như vậy nếu một người đi chùa gặp quý Thầy, theo lịch sự theo văn hoá và theo các nghi lễ thông thường họ chào, xá, thậm chí đảnh lễ chư Tăng, nhưng trong tâm thật sự không hiểu rõ Phật Pháp Tăng là gì thì không gọi là quy y.
Chúng ta không những chỉ hiểu mà còn xác nhận rằng Phật Pháp Tăng là nơi nương tựa của mình. Giống như một người bơi giữa biển, nếu người đó muốn sống sót thì phải có cái gì đó để họ bám vào, có thể là một chiếc phao, một mảnh gỗ và dĩ nhiên không cùng một lúc mà chúng ta có thể bám vào hai chiếc phao khác nhau được mà chúng ta phải chọn phao nào đó. Ví dụ như một chiếc tàu lớn chìm xuống có nhiều thứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước thì chúng ta phải chọn một thứ nào đó để chúng ta bám vào, nương tựa vào. Ở đây một người có đức tin với Phật nhưng trong niềm tin đó người này vẫn đi tìm ở những nơi khác, những vị giáo chủ khác hay những vị quỷ thần thiên thần khác để mà thờ phượng, để cứu rỗi v.v… Cho dù họ có lạy Phật hằng tháng, cho dù họ thường đến chùa trai Tăng đi nữa nhưng cũng không gọi là một người quy y Phật.
Bởi vì quy y Phật không những hàm ý nghĩa là mình xác tín nghĩa là mình xác nhận niềm tin của mình, mà quy y Phật còn có nghĩa là thái độ lựa chọn trong muôn ngàn sự lựa chọn trên đời. Lấy thí dụ trong kinh thường dùng Đức Phật là Buddhasassana, tức là Phật bảo. Phật là châu báu. Phật thật sự là châu báu phải đạt đến cái nghĩa như là trong kinh Ratana Sutta nói rằng,
Những vật quý trong đời
Chốn này hay nơi khác
Cả châu báu cõi trời
Không gì sánh bằng được
Với Như Lai Thiện Thệ
Do vậy chính Đức Phật
Là châu báu thù diệu
Mong với chân ngôn này
Từ thành muôn hạnh phúc
Nếu chúng ta thật sự thấy Phật là châu báu, Phật là nơi nương tựa thì chúng ta thấy rằng không có cái gì trên đời này quý hơn Đức Phật. Quý lắm! Quý đến nỗi căn nhà cháy cái gì mà chúng ta mang ra được thì cái đó là cái quý nhất. Trong lúc chúng ta bỏ quê hương làm một cuộc hành trình ra đi, cái gì mà chúng ta cố gắng mang theo thì đó là cái quý nhất mà chúng ta lựa chọn để mang theo.
Một người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Tuy là ba nhưng là một, vì nếu chúng ta đã thành tựu niềm tin nơi Đức Phật để quy y Phật thì tức nhiên chúng ta đã hiểu lời dạy của Ngài và tất nhiên chúng ta cũng quy y những người đã đi theo con đường của Ngài và đã thành tựu những gì ngài đã truyền dạy. Nên chi ở đây đó là sự xác tín đối với Tam bảo.
Chúng tôi đã đề cập nếu một người đã quy y Tam bảo mà trong đời sống của mình không có niềm tin dựa trên lý nhân quả chẳng hạn. Có nhiều lý do, có nhiều khía cạnh nhưng lý nhân quả là một quan niệm giáo lý rất rõ ràng là cái vui cái khổ trong đời sống nó đến từ cái thiện và cái bất thiện nghiệp của mình. Tâm mình có khéo tu hay không, trí tuệ mình có hay không, quan niệm đó hợp theo nhân quả. Cái gì không đi ngược lại với nhân quả mà mình ti tưởng thì coi chừng điều đó co thể làm cho tam quy của mình bị nhơ bợn hay thậm chí mình có thể đứt tam quy. Tam quy hết sức quan trọng trong đời sống tu tập của chúng ta, nó nói lên một thái độ đàng hoàng trong đời sống của mình. Cái thái độ đàng hoàng đó nghĩa là chúng ta có một thái độ rất nghiêm túc đối với đời sống tinh thần. Sự nghiêm túc đó tương tự như một người trong cuộc sống này lựa chọn một người bạn đời hay lựa chọn nơi mà họ sinh sống, một nghề để theo đuổi và còn hơn thế nữa là họ lựa chọn một nơi để họ gửi gắm nương tựa đời sống tâm linh của mình. Một người không có sự lựa chọn rõ ràng, chứng tỏ rằng một là người đó chưa đủ tự tin, chưa cảm thấy được là mình có nhu cầu để tin tưởng hoặc giả thứ hai là mình không hiểu rõ mình quy y làm cái gì và thứ ba là tâm của mình có tà kiến.
Nói tóm lại tam quy rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta khi chúng ta đề cập đến quy Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Không có tam quy thì không thể gọi là phật tử được và đặc biệt nếu chúng ta đã có tam quy rồi mà ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta có những gì đi ngược lại với niềm tin, với sự lựa chọn của mình thì coi chừng chúng ta rất dễ bị đứt tam quy. Trong một đất nước và trong nền văn hoá, sự trộn lẫn giữa Phật giáo và các tôn giáo khác rất nhiều như Việt Nam, Trung hoa v.v… thì cái ranh giới hầu như không có giữa đạo này và đạo khác, giữa điều mà chúng ta gọi là chánh pháp và điều tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng dân gian niều lúc thấy rất vô hại nhưng nó lại làm hỏng đi tam quy của mình. Do vậy chúng ta phải có một thái độ tương đối nghiêm túc về điểm này.
Tôi xin dứt lời tại đây
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 148
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|